You are currently viewing THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MỐC GIỚI

Giải quyết tranh chấp đất đai là một quá trình vô cùng khó khăn và phức tạp mà có thể kéo dài rất lâu. Trong số các trường hợp tranh chấp đất đai thì tranh chấp liên quan đến ranh giới liền kề diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Thông qua bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích, làm rõ hơn quá trình giải quyết tranh chấp đất đai hai ranh giới liền kề.

Nguyên tắc xác định ranh giới giữa các thửa đất

Ranh giới giữa các thửa đất bên cạnh được xác định bằng thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà còn được xác định thông qua tập quán địa phương hay quá trình sử dụng đất từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

( Khoản 1 Điều 175 BLDS 2015)

Thứ nhất, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất, cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt,…và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ.

Thứ hai, ranh, giới thửa đất được xác định căn cứ theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp, các quyết định hành chính có liên quan.

Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc báo cho Ủy ban cấp xã. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp.

( Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT)

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp?

  • Một là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải tại cơ sở.
  • Hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có thẩm quyền đối với trường hợp đương sự không có các giấy tờ liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh có thẩm quyền đối với tranh chấp mà một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thì thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban cấp huyện.
  • Ba là Tòa án nhân dân nếu đương sự nộp đơn khởi kiện.

(Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai 2013)

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp

Bước thứ nhất, các bên có thể tự hòa giải tranh chấp đất đai thông qua tự THỎA THUẬN, bàn bạc trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng lợi ích của nhau. Nếu không hòa giải được thì đương sự có quyền nộp đơn lên Ủy ban cấp xã yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Sau khi nhận được đơn, Ủy ban cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác minh nguyên nhân và thu thập các tài liệu có liên quan. Sau đó phải thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp và tiến hành tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên và thành viên Hội đồng hòa giải. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Nếu một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn.

Bước thứ hai, nếu tranh chấp đã được hòa giải nhưng không thành thì đương sự có quyền nộp đơn lên Ủy ban cấp huyện và cấp tỉnh để được giải quyết.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết. Cơ quan này có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn luật đất đai giải quyết tranh chấp (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban ủy ban cùng cấp.

Bước thứ ba, trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh nếu Chủ tịch ủy ban cấp huyện giải quyết, hoặc Bộ trưởng Bộ TN&MT nếu Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh giải quyết.

Bước thứ tư, trong quá trình giải quyết tranh chấp ngay từ bước thứ hai, đương sự vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định.

(Điều 202, Điều 203 Luật Đất đai 2013 và mục 4, chương 7 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP)

Như vậy, tranh chấp ranh giới đất đai liền kề, mốc giới đất là một dạng tranh chấp diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Khi phát sinh tranh chấp đương sự phải trải qua một quá trình giải quyết theo trình tự, thủ tục mà luật định nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, để giảm thiểu thời gian và công sức, khi phát sinh tranh chấp các đương sự nên ngồi lại và thỏa thuận dựa trên sự tự nguyện, tôn trọng quyền và lợi ích của nhau. Để giải quyết tranh chấp nhanh chóng hãy liên hệ với:

LUẬT SƯ QUANG SÁNG

Phone: 0966.871.495 – 0396.496.727

Email: Ls.quangsang@gmail.com

Để lại một bình luận