Chủ thể của hành vi đánh người, gây thương tích ?
Hành vi đánh đập, gây thương tích cho người khác phải do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần; hoặc mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi; hoặc chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên.
Trường hợp thực hiện hành vi trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu; bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người nào có hành vi cố ý gây thương tích có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% – 30% hoặc dưới 11% mà thuộc một số trường hợp sau thi vẫn bị xử lý.
Các trường hợp gây thương tích dưới 11% vẫn bị xử lý hình sự:
- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
- Dùng a-xít hoặc hóa chất nguy hiểm;
- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai; người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ;
- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính;
- Thuê gây thương tích của người khác hoặc gây thương tích của người khác do được thuê;
- Có tính chất CÔN ĐỒ;
- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Trong trường hành vi đánh người gây ra tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 30%; hoặc làm chết người có thể bị phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi.
Thủ tục tố giác và kiến nghị khởi tố hành vi đánh người
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, kiến nghị khởi tố theo khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, bao gồm:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Quy trình tố giác và kiến nghị khởi tố được thực hiện theo các trình tự sau:
Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Bước 2: Tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo các hình thức sau:
- Trực tiếp đến trình báo, tố giác;
- Báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền;
- Gửi văn bản trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền.
Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
- Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác; mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận; cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác.
- Khi hết thời gian giải quyết tố giác mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết; cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết.
Trường hợp cơ quan điều tra khởi tố; thì có thể yêu cầu bồi thường trong phần yêu cầu trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Trên đây là một số quy định của pháp luật về Đánh người gây thương tích trong vụ án hình sự. Quý khách hàng quan tâm vui lòng liên hệ:
Phone: 0966.871.495 – 0396.496.727
Email: Ls.quangsang@gmail.com