Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác” (theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015). Như vậy, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người đã chết, quyền về tài sản của người đó.
1. Đối với phân chia di sản theo di chúc:
Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân của người đã khuất nhằn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Việc phân chia di sản được thể hiện theo ý chí của người để lại di chúc, nếu di chúc không xác định rõ phần của từ người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người thừa kế được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác của những người thừa kế.
– Về tính hợp pháp của di chúc:
+ Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể (Điều 625, Bộ luật Dân sự 2015): người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Khi lập di chúc, người lập di chúc phải tự nguyện, sáng suốt, minh mẫm, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.
+ Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội: nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.
+ Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật: theo Điều 627, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc có hai loại: di chúc bằng văn bản và di chúc miệng.
– Hiệu lực pháp luật của di chúc:
+ Di chúc có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 643, Bộ luật Dân sự 2015.
– Trình tự, thủ tục phân chia di sản theo di chúc:
+ Ưu tiên đối với di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
+ Ưu tiên đối với di sản được di tặng (tặng cho người khác). Người được hưởng tài sản di tặng có quyền sở hữu đối với tài sản đó mà không phải thực hiện nghĩa vụ người chết để lại trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán các nghĩa vụ thì tài sản di tặng sẽ được dùng để thực hiện các nghĩa vụ còn lại của người đã khuất.
+ Nếu phát sinh trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì thì khi phân chia tài sản sẽ phân chia cho những người thừa kế này trước sau đó phần còn lại mới được phân chia theo di chúc.
* Đối với phân chia di sản theo pháp luật:
– Những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
+ Không có di chúc;
+ Di chúc không hợp pháp;
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Trình tự, thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:
+ Di sản thừa kế chỉ được phân chia cho một hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên: hàng thừa kế thứ nhất; hàng thừ kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba.
+ Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người thừa kế hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
+ Thừa kế kế vị: được áp dụng khi người thừa kế bị chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản chết.
Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật sư Quang Sáng về vấn đề chia di sản thừa kế? Nếu quý bạn đọc còn bất cứ thắc mắc liên quan đến chủ đề này hoặc cần tư vấn thêm, vui long liên hệ:
Phone: 0966.871.495
Email: Ls.quangsang@gmail.com