You are currently viewing GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THỦ TỤC THẾ NÀO?

Tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Song không phải cá nhân nào là một bên trong tranh chấp đất đai cũng hiểu rõ quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai. Bài viết này sẽ trình bày rõ ràng nhất; thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Tranh chấp đất đai là gì ?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

2. Xác định tranh chấp hiện tại có phải là tranh chấp đất đai hay không ?

Việc xác định một tranh chấp về đất đai có phải là tranh chấp đất đai hay là tranh chấp liên quan đến đất đai rất quan trọng trong việc lựa chọn thủ tục để áp dụng trong giai đoạn tiếp theo. Bởi vậy, đầu tiên và quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp về đất đai cần xác định được có phải là tranh chấp đất đai hay không.

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Theo đó, chỉ những tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất (gồm cả việc tranh chấp ranh giới giữa các thửa đất) mới là tranh chấp đất đai. Việc xác định tranh chấp nào là tranh chấp đất đai rất quan trọng, vì thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai là khác nhau.

Lưu ý: Những tranh chấp sau không phải là tranh chấp đất đai:

– Tranh chấp về giao dịch (mua bán) quyền sử dụng đất, nhà ở.

– Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất.

– Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn.

Những tranh chấp nêu trên thuộc nhóm tranh chấp có liên quan đến đất đai. Việc phân loại tranh chấp nào là tranh chấp đất đai có ý nghĩa rất quan trọng, vì những lý do sau:

Trường hợp 1: Tranh chấp đất đai (loại 1) thì sẽ do Luật Đất đai điều chỉnh, cụ thể:

– Thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Đất đai (buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn); Nếu không hòa giải mà khởi kiện tại Tòa án thì Tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện.

– Trường hợp đất tranh chấp mà có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ khác với việc không có giấy tờ.

Trường hợp 2: Tranh chấp có liên quan đến đất đai (loại 2)

Tranh chấp này thì chủ yếu do Bộ luật Dân sự quy định nên thủ tục giải quyết khác (không giải quyết theo thủ tục của Luật Đất đai). Các bên có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án mà không phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã.

3. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án

Khi một trong các bên có giấy chứng nhận; hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai; thì do Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp;giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự dưới đây.

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100.

– Biên bản hòa giải có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.

– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

– Các giấy tờ chứng minh khác; Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; ai khởi kiện vấn đề gì thì phải có tài liệu; chứng cứ để chứng minh cho chính yêu cầu khởi kiện đó.

Bước 2. Nộp đơn khởi kiện

– Nơi nộp: Tòa án nhân dân cấp huyện có đất đang tranh chấp.

– Hình thức nộp: Nộp bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trên đây là một số quy định của pháp luật về Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Quý khách hàng quan tâm vui lòng liên hệ:

LUẬT SƯ QUANG SÁNG

Phone: 0966.871.495 – 0396.496.727

Email: Ls.quangsang@gmail.com

 

Để lại một bình luận